Những nhà lãnh đạo vĩ đại luôn truyền tải được nhiệt huyết vào công việc. Họ biết cách lôi kéo các nhân viên tài năng và tận tâm. Nhưng ẩn chứa đằng sau mỗi nhà lãnh đạo đầy quyền lực, bạn sẽ còn thấy có một quyền năng vô hình khác, nó góp phần tạo ra một bầu văn hoá công ty mạnh mẽ, động viên mọi người làm việc chăm chỉ và gắn bó lâu dài hơn, thậm chí có thể gắn bó cả cuộc đời, nối tiếp các thế hệ với công ty.
Cùng với thời gian và những bước phát triển mạnh mẽ, sự khác biệt duy nhất còn lại ngày nay giữa các công ty có lẽ chỉ là yếu tố văn hoá. Những yếu tố khác như công nghệ, quy trình kinh doanh hầu như không có sự khác biệt là mấy. Sở dĩ chúng ta phân biệt được giữa Mercedes và Toyota không phải ở chất lượng mà chính là ở nền văn hoá và hình ảnh nhãn hiệu công ty.
Văn hoá đã và đang trở thành một ID (chỉ số nhận dạng) của mỗi công ty, giúp chúng ta phân biệt công ty này với công ty khác. Văn hoá thể hiện trong phong cách làm việc, tác phong của nhân viên cả trong công việc cũng như trong cuộc sống. Không ít công ty còn xây dựng văn hoá của riêng mình trên cơ sở kế thừa văn hoá truyền thống dân tộc.
Nếu bạn đang tiến hành kinh doanh và là chủ doanh nghiệp, bạn phải xây dựng được một nền văn hoá công ty. Và thay vì để nó tự sinh sôi nảy nở ngoài tầm kiểm soát, bạn có thể nuôi dưỡng nó trở thành một yếu tố khích lệ lòng trung thành và tinh thần làm việc tràn đầy nhiệt huyết của các nhân viên.
Để xây dựng được một bầu văn hoá công ty mạnh mẽ, có sự tồn tại của nhiều niềm vui, sự chia sẻ, cộng tác và kết nối, bạn hãy thực hiện 5 bước đơn giản sau đây:
Bước 1: Thấu hiểu
Nền tảng của một văn hoá công ty mạnh không chỉ được xây dựng từ một vài bữa ăn trưa tập thể hay trong khu vực để xe cá nhân. Các nhà lãnh đạo vĩ đại luôn hiểu được những gì là quan trọng đối với các nhân viên.
Trên cương vị một nhà quản lý kinh doanh, việc phát triển một bầu văn hoá công ty mạnh ngay từ khi bạn tiến hành những bước đi đầu tiên là thực sự cần thiết để tìm hiểu xem điều gì động viện mọi người xung quanh làm việc cho bạn.
Quy trình thấu hiểu này sẽ bắt đầu với hoạt động giao tiếp. Hãy nói chuyện với các nhân viên trong công ty nhằm tìm hiểu về những gì mà cả bạn và các nhân viên đều mong đợi từ công việc.
Điều này sẽ giúp bạn gạn lọc rõ ràng những mong đợi của các nhân viên, đồng thời giúp bạn nắm được những gì sẽ động viên họ trong công việc. Nó cũng gửi đi một thông điệp tới các nhân viên rằng sự cộng tác và giao tiếp là hết sức quan trọng trong công ty.
Khi nói chuyện với các nhân viên, bạn sẽ thấy được những gì quan trọng đối với họ. Sự thấu hiểu này hoàn toàn có khả năng giúp bạn xây dựng và chia sẻ một bầu văn hoá công ty vui tươi thích hợp nhất với công ty, thay vì đơn thuần chỉ dựa trên các ý tưởng về những gì mọi người có thể thích thú.
Bước 2: Hành động
Khi bạn đã thấu hiểu các nhân viên trong công ty thì cũng đã đến thời điểm hành động. Bước đi tiếp theo này là rất quan trọng, bởi vì nó cho thấy bạn đang hành động vì những mong đợi của nhân viên và quan tâm tới trái tim của mọi người.
Hãy thử thực hiện một hành động đơn giản sau: Bạn hãy chia một tờ giấy A4 thành bốn phần bằng nhau, mỗi phần ghi lên đó 1 tiêu đề: vui vẻ, chia sẻ, cộng tác và kết nối. Đối với từng tiêu đề, bạn hãy huy động chất xám của tập thể để lên danh sách các hành động cần thực thi nhằm xây dựng và cải thiện bầu văn hoá công ty. Ví dụ, dưới tiêu đề “vui vẻ” bạn có thể có các hành động như một bữa ăn tối vào ngày thứ sáu, một buổi đi xem phim tập thể.
Khi bạn hành động, điều quan trọng là các hành động phải được đưa ra thực hiện một cách thích hợp. Thay vì làm tất cả mọi thứ trong một lần, bạn hãy thử thực thi một nhóm các ý tưởng chọn lọc mà bạn tin rằng bạn có thể thực hiện tốt.
Hãy nêu bật một vài đầu mục công việc từ danh sách các hành động mà bạn nghĩ rằng có thể thực hiện ngay. Những hành động còn lại bạn có thể làm từ từ theo thứ tự ưu tiên sau khi đã phân tích kỹ lưỡng.
Bước 3: Tham gia
Văn hoá công ty đến từ tất cả các nhân viên. Một bầu văn hoá công ty mạnh mẽ là một cái gì đó được bạn khởi xướng ra, rồi sau đó các nhân viên là những người tiếp tục xây dựng và phát triển nó.
Hãy hỏi các nhân viên xem họ nghĩ như thế nào để có thể góp phần vào thành công trong kinh doanh và xây dựng một bầu văn hoá công ty mạnh. Việc động viên mọi người đóng góp cổ phần cá nhân vào công ty cũng là một chiến lược nuôi dưỡng một văn hoá công ty mạnh và mọi nhân viên đều có bầu nhiệt huyết lớn trong công việc.
Khi điều này xảy ra, các nhân viên sẽ nỗ lực làm việc hơn rất nhiều chứ không chỉ đơn thuần thực hiện các nhiệm vụ thường nhật như trước nữa. Giờ đây, họ cảm thấy mình có trách nhiệm hơn với thành công của công ty.
Bước 4: Cộng tác
Tại giai đoạn này, các nhân viên nên được tham gia vào việc xây dựng văn hoá công ty. Giờ đã đến lúc để phát triển, đào sâu và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa văn hoá công ty. Đây là nơi mà yếu tố cộng tác thực sự đóng vai trò quan trọng.
Hãy tạo ra những không gian cần thiết để các nhân viên có thể triển khai ý tưởng của mình. Điều này không có nghĩa rằng bạn cho phép các nhân viên đi lệch với định hướng chung của công ty.
Trên cương vị lãnh đạo, nhiệm vụ của bạn là giám sát và định hướng mọi nỗ lực sáng tạo trong công ty theo đúng các lộ trình thích hợp. Hãy động viên họ, nhưng đồng thời hãy thảo luận về các phương thức cụ thể nhằm biến ý tưởng thành hành động theo những kế hoạch hợp lý.
Các nhân viên cần hiểu rằng mọi đặc quyền và bổng lộc của họ sẽ đến từ kết quả công việc cụ thể. Đây là điều rất quan trọng. Những cá nhân nào tự xem mình như là một sự kỳ vọng của công ty sẽ có thể có những tác động ẩn chứa tiêu cực lên hoạt động của công ty. Việc giải trình về kế hoạch để đạt được những mục tiêu đề ra và đảm bảo một sự gắn kết thích hợp liệu có phải là trách nhiệm của tất cả mọi người trong công ty? Câu trả lời chắc chắn là “Có”. Nếu nhân viên nào không thể giải trình cụ thể, họ sẽ khó có thể đạt được mục tiêu.
Bước 5: Yêu cầu trách nhiệm giải trình
Văn hoá công ty không phải là điều gì đó chỉ được bắt đầu và sau đó bị phớt lờ đi. Cũng như một khu vườn được chăm sóc tốt, một bầu văn hoá công ty mạnh là kết quả của sự sáng tạo và ý thức nuôi dưỡng của tất cả mọi người. Hãy coi trách nhiệm giải trình phải là một phần trong bầu văn hoá công ty của bạn, thông qua các giao tiếp và hành động bắt buộc.
Thông qua trách nhiệm giải trình, bạn sẽ biết được sự nỗ lực của các nhân viên công ty không chỉ để thực thi các ý tưởng mới mà còn biết được hành động của họ có đáp ứng những mong đợi của bạn hay không, qua đó có thể thấy rõ văn hoá công ty bạn đang xây dựng hiệu quả ở mức nào.
Mối quan tâm và nhu cầu của các nhân viên sẽ thay đổi cùng với sự tăng trưởng của công ty. Hãy dành thời gian để đánh giá lại các yếu tố đầy tính nhân văn này và hãy khích lệ chúng nếu bạn thấy cần có sự thay đổi trong hành động.
(Theo Business World, www.bwportal.com.vn)